NGHIÊN CỨU VỀ THÔNG NHÃN

Nghiên Cứu về Thông Nhãn

 

 

Tác giả Phoebe D. Bendit có thông nhãn viết nhiều sách mà PST đã trích đăng sự quan sát và mô tả của bà về các thể thanh, xin mời bạn xem lại. Dưới đây là một bài khác của bà cũng liên quan tới thông nhãn.

I

Nhiều người xem thông nhãn là chuyện gì kỳ bí và thiêng liêng. Họ hay làm như nó là ơn Trời, như thể đó là khả năng Trời ban cho một số ít người có đặc ân, và do đó nằm ngoài người thường. Nhưng thông nhãn không phải vậy. Nó là một loại nhận thức ngoại cảm extra-sensory perception ESP, và ESP tới phiên nó chỉ là một loại nhận thức cao hơn một bậc của trí não người. Khả năng này cần được xem, không phải chỉ riêng về một khía cạnh chuyên biệt mà thôi, mà như là một tổng thể, nếu ta muốn hiểu thông nhãn. Hơn nữa, nó không là khả năng thiên phú gì hơn bất cứ kỹ năng nào khác. Và kỹ năng chỉ có thể có được bằng việc cố công và chuyên cần trau luyện.
Nhận thức về ngoại vật thường được xem là tiến trình giản dị: các làn rung động đi tới, chạm vào ngũ quan và được não bộ hay cái trí - làm việc qua đầu óc - cảm nhận; rồi ký ức và sự liên kết cho ta biết vật là gì. Ý niệm đơn sơ này thực ra là sự tóm tắt của diễn biến phức tạp cao độ với nhiều yếu tố liên kết với nhau. Những điều này không làm ta bận tâm trừ một điều, là chúng khiến ta ý thức rằng lời giải thích đơn giản và sơ sài thì không đủ. Ý này đúng cho cảm nhận về vật nơi cõi trần cũng như là vật ở cõi tâm linh.
Một trong các khó khăn mà học viên có tính khách quan và tinh thần khoa học gặp phải khi tìm hiểu về thông nhãn, là chính ai có thông nhãn thường có tính giáo điều và tự cho là mình có thẩm quyền về chuyện gì họ thấy, lẫn cách mà loại nhận thức ngoại cảm riêng của họ làm việc. Nói chung thì họ quá chủ quan, và điều này dẫn tới việc thiếu óc phán đoán rõ ràng cùng óc phân tích đúng đắn. Chúng ta cần một thái độ hoàn toàn vô tư, nhìn vào bên trong để khám phá những tiềm năng ẩn kín trong con người, và cùng lúc nhìn ra ngoài để quan sát vũ trụ bên ngoài ta. Điều ấy hàm ý có mối liên hệ thay đổi giữa thế giới chủ quan và khách quan, và do đó có sự thay đổi thường xuyên của tâm thức của người quan sát.
Trong bài nghiên cứu này, có sự chủ ý đưa ra nhiều điều phức tạp để cho thấy sự tinh tế của trọn vấn đề. Nhưng tôi đề nghị ta xem xét các nguyên tắc và để qua bên chi tiết, những điều sẽ dựa vào đây mà được diễn giải ra. Bởi chỉ khi hiểu rõ nguyên lý ta mới bắt đầu phân biệt được cái mẫu mực nằm đằng sau mọi loại nhận thức ngoại cảm.
Chuyện đầu tiên là Trí Năng hay cái Trí là yếu tố làm việc trong mọi loại nhận thức. Não bộ, và cơ chế thanh bai hơn mà tâm lý gia gọi là phần tâm linh psyche, còn huyền bí gia gọi là cảm dục-hạ trí của con người, chỉ là phương tiện qua đó Trí Năng làm việc. Trí Năng là cơ quan cho cả nhận thức bên trong và bên ngoài. Nó cảm biết vật bên ngoài người cảm thụ cũng như là các ý tưởng bên trong trí não của chính họ. Trong trường hợp ai không đồng ý với cách dùng ấy về chữ nhận thức perception - là chữ đúng để dùng trong bài này -, Trí Năng có thể được xem là nơi có ý thức trực nhận và thuần khiết.
Tâm lý gia và chuyên gia thần kinh học vẫn còn đang tìm tòi sự phức tạp lớn lao của diễn trình nhờ đó ta biết và nhớ các vật vật chất và biến cố thông thường, như các vật tương đối cố định và đứng yên. Khi ta sang đến vật về tâm linh, hoặc đó là các thực thể, hay vật thanh nhẹ, ta đối đầu với những vật có tính uyển chuyển và biến hóa nhiều hơn, và sự phức tạp lại càng nhiều hơn nữa.
Ấy là vì có hai lý do.
1. Một là trong khi nó tương đối dễ phân biệt giữa một cái cây trong vườn và ý tưởng về một cái cây trong trí của ta, khi nói về cõi tâm linh thì phân biệt giữa một vật không có hình hài vật chất và những điều trong trí não của ta thì là chuyện khó hơn nhiều.
2. Thứ hai là so sánh cõi tâm linh với cõi trần, bản chất một bức hình ở cõi tâm linh chịu biến hóa do hai yếu tố.
– Bức hình tự nó không rõ rệt bằng đồ vật vật chất
– Khi chú ý được hướng tới một vật tâm linh thì nó tác động lên vật và làm thay đổi vật đó.
Thế nên để có cảm nhận tâm linh (ở hai cõi trung giới và hạ trí) chính xác ta gặp khó khăn lớn hơn nhiều so với việc để có cảm nhận ở cõi trần.
Một yếu tố nữa thường bị bỏ qua ngay cả với ai được huấn luyện về khoa học, không kể tới tâm lý gia, là ảnh hưởng của viễn cảm (telepathy, hay thần giao cách cảm) đối với người cảm nhận. Ai nhậy cảm sẽ đôi khi cho hình ảnh thật rõ ràng và các chi tiết khác về người đã khuất, thí dụ vậy. Đây là chuyện hết sức thông thường trong thông linh học, và trong việc nghiên cứu về linh thị psychometry.
Với thuật này, người ta đưa cho ai nhậy cảm các món đồ và họ cho biết rất đúng nguồn gốc và lịch sử của chúng. Nhưng rất thường khi có người ở gần đó biết về lịch sử này, hay trong trường hợp về các mẫu vật được đào lên trong cuộc khảo cổ, nhà khảo cổ học đã suy đoán về bản chất của vật rồi. Dù họ cố gắng giữ tâm trí lặng yên, hay nghĩ ngược lại quan điểm của mình bằng cách cố tình nghĩ chuyện đối nghịch với những gì mà họ tin, với hy vọng là không gây ảnh hưởng lên người có linh thị, dù có chủ tâm họ vẫn không thể xóa các ý kiến này khỏi tâm của người nhậy cảm.

II

Khi tìm hiểu các tài liệu về ESP, ta thấy có vẻ như nó được chia làm hai nhóm chính. Một nhóm là lý thuyết bán tâm lý parapsychology (ở ngoài lãnh vực tâm lý bình thường), cái kia là các nhận xét của cá nhân, rất thường khi là người không được huấn luyện về phương pháp và thẩm định khoa học. Điều này phản ảnh tình trạng khó xử thấy trong khắp thế giới khoa học giữa điều cá nhân như là một người đơn độc, và cũng cá nhân ấy mà như là một đơn vị trong thống kê.
Thống kê và phương pháp khoa học có giá trị lớn lao trong việc lập nên căn bản thông minh cho nhiều vấn đề của con người. Nhưng kinh nghiệm tự nẩy sinh và không thể lập lại được thuộc bất cứ loại nào, tuy không đáng kể về mặt thống kê, dầu vậy vẫn thật và quan trọng cho người can dự hơn là thống kê. Khi nói về kinh nghiệm ngoại cảm, tính ra các sự việc lý thú nhất và soi sáng nhất xẩy ra dưới những điều kiện mà không thể nào có được kiểm soát hay có thể lập lại.
Hơn thế nữa, ở lãnh vực bán tâm lý parapsychology, những cuộc thí nghiệm chính yếu liên quan đến các vật vật chất giản dị như hột súc sắc hay lá bài. Những vật này, dầu vậy, tự chúng không nói cho ta biết gì về thế giới tâm linh, hay về làm sao ESP nói chung xẩy ra. Nó chỉ cho ta thấy rằng cảm nhận của con người không bị giới hạn vào ngũ quan vật chất. Ngược lại, ESP tự nhiên xẩy ra, hay sự chủ ý nghiên cứu về hiện tượng trong bất cứ thế giới vô hình nào có thể có, thì gần như luôn luôn liên quan với những vật mà ta không thể chứng minh được. Bất cứ ai cũng có thể thấy hồn ma, hay có một kinh nghiệm về điềm báo trước mà có thể có được chứng cớ gián tiếp, nhưng rõ ràng là không sao có thể trưng ra hồn ma bất cứ khi nào ta muốn, hay lập lại được điềm báo trước. Thế nên có một khoảng cách giữa hai lãnh vực cần được nối lại.
Một người nghiên cứu có thông nhãn có thể nhìn vào cơ cấu của một hạt nguyên tử. Điều mà họ thấy có thể hợp hay không hợp với khoa học. Nếu năm mươi năm trước, người có thông nhãn như thế mô tả hạt nguyên tử như là một xoáy lực phức tạp với những hạt xoay vòng, họ sẽ sai hẳn với khoa học thời đó (bài nói chuyện có vào năm 1960). Còn ngày nay họ sẽ được xem như là đi trước thời đại. Nhưng họ sẽ gặp khó khăn là phải đặt ra ngôn ngữ cho các xoáy lực và các hạt đó mà khi ấy chưa hiện hữu, thành ra sự mô tả của họ có thể - như trong trường hợp của Swedenborg - đã bị chận lại vì thiếu rõ ràng như lời đồn ghi lại.
Nếu ngày nay hai người có thông nhãn mô tả hạt nguyên tử bằng những chữ khác nhau - mà quả thật họ làm vậy - người ta sẽ gặp thêm một vấn đề nữa: nếu một người ‘thấy’ nó dưới dạng phù hợp với khoa học hiện thời, họ phải suy tính xem họ bị ảnh hưởng bao nhiêu về cả những gì mình đã đọc lẫn quan điểm chung về sự điều ấy. Nhưng nó không muốn nói là ai không đồng ý với khoa học thì nhất thiết là họ sai. Họ có thể đi trước thời đại, hay có thể là họ đã đọc sách cũ, và do đó đi sau thời đại; hoặc lại có thể là họ bỏ qua cảm nhận thực sự mà theo óc tưởng tượng của mình.
Điều ấy gợi thêm một câu hỏi là hình ảnh nhận biết có thể - do nối kết với vật đang được quan sát - trưng ra cho trí năng một hình ảnh không thực của vật. Trong những điều kiện kiểm soát gắt gao nhất, nếu ta có thể xác định hai mẫu vật của một chất không cho biết tên, và đưa ra lý do về sự quan sát của mình, thí dụ vì hạt nguyên tử trông giống như quả tạ, không bắt buộc là hạt nguyên tử thực sự trông như quả tạ, mà chỉ là nó sinh ra một hình ảnh tương tự trong trí họ trong cả hai trường hợp, nên nó cho phép ta xác định xác định hai mẫu vật là cùng một chất.
Nếu có thể nào hai người quan sát độc lập cho mô tả giống nhau về cùng một vật, mà không có khả hữu là có sự truyền cảm hay liên lạc nào khác giữa hai bên, ta có thể nghĩ hợp lý là vật được cảm biết quả thật hiện hữu trong hình dạng mà người ta thấy nó. Nhưng điều này ít khi có. Tính khí và trí não khác nhau, sẽ cảm biết khác nhau, do sự lệch lạc cá nhân. Đây là trường hợp đã được chứng mình cho điều quan sát những vật vật chất, và nó lại càng rõ hơn khi liên quan đến những vật ở cõi tâm linh.

III

Giờ chúng ta hãy xem xét trọn bản chất của ESP mà thông nhãn chỉ là một dạng của nó. Nhà động vật học và tâm lý gia đang bắt buộc phải nhận ra là ESP linh hoạt nơi loài vật, và nơi người còn sơ khai. Điều ấy được xác nhận trong nhiều sách du lịch, và bằng sự quan sát chi tiết cẩn thận về hành vi của thú vật. Tuy thế, có khuynh hướng suy nghĩ rằng việc ngũ quan thể chất có cấu trúc phức tạp về một mặt, và mặt kia là sự phát triển của óc lý luận, làm chặn lại ESP nơi người bình thường, giảm nó xuống tới mức chỉ còn là di tích của những cơ quan ấy, như vết tích của mang cá nơi loải hữu nhũ. (Giải thích thêm thì mang cá thấy nơi phôi thai con người như là các khe của thực quản. Chúng chỉ hiện diện tạm thời rồi mất đi khi thai phát triển thêm sau đó)
Đây là điểm được tranh luận, đặc biệt là tâm lý gia Carl Jung đã mô tả nhiều về một khả năng của trí tuệ mà ông gọi là trực giác, và khả năng này cũng gồm luôn cả ESP. Theo ông, trực giác không phải chỉ có nơi người sơ khai mà thôi. Ông gợi ý là nó thỉnh thoảng có giá trị nhất, không phải trong giai đoạn tiền-khoa học của sự phát triển, mà như là sự nối dài và thêm vào thái độ khoa học.
Sự kiện ESP mất đi theo quan điểm về thuyết tiến hóa có giá trị để làm con người đối đầu với thực tế. Nó giúp họ có đầu óc khách quan, và thêm vào đó khi trụ tâm thức con người vào cõi trần, giúp làm rõ sự việc và chú mục vào đề tài, bằng cách tập trung tư tưởng vào vấn đề của cuộc sống. Nó là một yếu tố trong việc phân tách cá nhân khỏi khối đông. Nhưng ESP ở mức sơ khai vẫn còn lưu lại bên ngoài vùng tâm thức, và ngụ trong tiềm thức. Đây là chỗ của nó ngày nay ở một số đông người, ngay cả nơi ai được huấn luyện như là người nghiên cứu, và là một yếu tố quan trọng trong hành vi của đám đông và sự lan truyền trong đó.
Con người ngày nay đã tới mức chú tâm vào cuộc sống trong thế giới vật chất, như triết gia Bergson nói. Sự hiểu biết của họ về thế giới vật chất thật là mênh mang, tuy dĩ nhiên là chưa trọn vẹn, và tiến bộ kỹ thuật của họ thật là tuyệt vời. Nhưng khoa học gia lúc này đang ý thức sự kiện là nếu muốn tiến bộ vật chất không đưa tới thảm họa, thì nó phải được hỗ trợ bằng các yếu tố đạo đức và luân lý ‘không khoa học’. Song song với điều này, tâm lý gia cũng học được rằng sự mở rộng theo ‘chiều ngang’ của hiểu biết vật chất thiếu một điều chỉ có thể có được bằng việc đi sâu theo ‘chiều đứng’, vào những cõi thường được gọi là không thật. (Nói theo cách tích cực thì những cõi này là cõi tâm linh và tinh thần). Tâm lý gia trực nhận rằng chỉ khi đó ta mới có thể đạt tới sự hiểu biết nhiều chiều đo về vũ trụ và con người.
Đây rõ ràng là điểm nghiêm trọng trong cuộc tiến hóa của nhân loại, và đòi hỏi ta dùng trí tuệ theo một cách mới, có cách suy nghĩ mới. Nhiều khoa học gia và tư tưởng gia đáng nói nhận biết điều này, và bằng cách này hay kia dò dẫm tìm dường tiến về chuyện ấy, và do đó xa rời chủ trương thuần túy duy vật.
Nói ngắn gọn là người ta khám phá rằng Trí Năng làm việc theo hai hướng chính. Ở phương đông điều này đã luôn được nhận biết là cái thuần Trí - gọi là Manas - được thấy là tác động ở hai mức độ.
● Về một mặt - Phạn ngữ gọi là Kama-Manas hay trí dục - bị vướng bận vào cảm dục, và bao chuyện của đời thường.
●Nhưng mặt khác của cái trí lại quan tâm đến các giá trị, ý nghĩa và nguyên lý; nó chủ yếu là cái trí mà sự hợp nhất và hòa hợp là điều tối quan trọng. Phần trí này được gọi là Buddhi-Manas hay mặt tinh thần (phân biệt với mặt tâm linh psychic) có trí năng. Nó là điều mà nhà huyền học mystic và chân nghệ sĩ kinh nghiệm được trong những phút xuất thần có linh ảnh.
Chuyện sẽ rõ ràng hơn nếu ta xem xét là Kama - chữ Phạn ngữ tương đương với chữ của ta chỉ dục vọng, bản năng hay tình cảm - đem vào tâm trí kinh nghiệm về cảm xúc, còn Buddhi (Bồ đề tâm) - ta không có chữ nào rõ hơn là chữ tinh thần - cho kinh nghiệm về thực tại được cảm biết rất sâu đậm. Khi ta nhìn điều này như là hoạt động mở rộng của cái thuần Trí hay Manas thì nó giải thích tính có vẻ phân đôi của trí năng, là điều làm nhiều người thắc mắc và có thể thấy trong chuyện có vẻ như tranh chấp giữa khoa học gia và người có thông nhãn, nhà huyền học và người chủ về hành động, và trong mọi cuộc sống của con người. 
Chỗ của thuần Trí là giữa hai điều - Kama-ManasBuddhi-Manas - và phần việc của nó là đem hai phần có vẻ như đối nghịch này lại với nhau trong sự hiểu biết chung.
Kama-Manas tác động ở cõi trần. Nó có hai tính chất nổi bật là
–  sự rõ rệt và tính khách quan;
– và sự tách rời giữa chủ thể với khách thể, hay giữa vật này với với vật kia. Điều ấy có do mối liên hệ của ta với cõi vật chất đậm đặc, mà ta có tiếp xúc mật thiết.
Buddhi-Manas làm việc trong sự hợp nhất, chủ thể với khách thể là một.
Đây rõ ràng là đối nghịch với cách mà Kama-Manas làm việc. Nhưng nếu hai mặt này có thể được làm hòa hợp với nhau để có sự rõ rệt về chi tiết, và sự hiểu biết sâu sắc trọn vẹn về chi tiết có được do hợp nhất với một vật, thành hòa hợp trong ý thức, hiển nhiên là ta có được bức tranh đầy đủ của thế giới. Buddhi-Manas nay soi sáng và chuyển hóa Kama-Manas, cho nó cảm xúc về sự toàn khối tròn đầy, trong khi đó ta cần có Kama-Manas để chú tâm và làm ta ý thức về điều mà nếu không được vậy sẽ thành vô thức, không thực tế và là ước nguyện lẫn trực giác  tinh thần mơ mơ màng màng không phân biệt.
Chuyện khiến ta thấy là phần vô thức từ trước tới nay cần được mang vào phần ý thức càng nhiều càng tốt, mở rộng và đào sâu nó. Mối quan tâm hiện giờ về các cách nhằm làm tăng thêm sự tự ý thức là phản ảnh của đòi hỏi và nhu cầu bên trong này. Nó muốn nói là kinh nghiệm và cảm nhận nội tâm của ta phải được mang vào càng nhiều càng tốt qua não bộ, để có sẵn đó cho tâm thức bình thường lúc thức tỉnh.
Nếu tập nghĩ Manas như là tụ điểm trung tâm của con người, ta sẽ thấy nó như là điểm lớn dần của cây sự sống. Tự nó là đơn thể, không phải như có người nghĩ là một đôi, ‘hạ’ trí và ‘thượng’ trí. Nhưng tựa như cái cây, phận sự đầu tiên của nó là mọc rễ đâm xuống dưới vào đất của bản năng và cái trí của loài thú, là di sản của quá khứ cho con người. Và khi mà như hiện nay, nó thành rễ bám chặt, nó cần tăng trưởng về hướng ngược lại, đi xa khỏi mặt đất và quá khứ, hướng về bầu trời tinh thần và tương lai.

IV

Ta chỉ có thể hiểu được thông nhãn và tất cả những dạng khác của ESP dựa vào ý tổng quát ở trên. Ta có thể phân biệt trên lý thuyết hai loại cảm nhận chính tương ứng với hai phận sự của Trí Năng:
● ESP ở mức Kama-Manas về không gian và thời gian ở cõi trần. Nó tượng trưng cho chính mình trong những ý tưởng như xuất vía du hành - tức di chuyển trong không gian; về vong hồn hay hình ‘tư tưởng’ có kích thước và mầu sắc nào đó; về thời hạn của biến cố v.v. Nói tóm tắt nó bao trùm trọn chiều đo các vật và hiện tượng tâm linh.
Vào lúc này trên thực tế đó là việc còn sót lại của những loại ‘chuyện tâm linh’ sinh ra trước giai đoạn mở trí trên đường tiến hóa. Do vậy nó hay xẩy ra trong điều kiện có ý thức cõi trần bị biến đổi hay giảm bớt. Thế nên sự mê man của người đồng, thuật thôi miên tự mình làm hay do ai khác dẫn dụ, dùng ma túy, nhìn vào bầu thủy tinh, bói bài, bói xác trà, v.v. mang lại tình trạng này nơi một số người.
● Loại ESP khác tùy thuộc vào mức độ cái Trí hoạt động qua Buddhi. Nó có thể được gọi đúng hơn là trực giác, và ở dạng trực nhận và thuần ý thức. Thế nên theo nghĩa vô sắc tướng, nó là một vật được thấy trong thí dụ là nhà huyền học gặp khó khăn khi tìm cách diễn tả điều họ thấy. Chỉ khi họ thêm kinh nghiệm trực tiếp vào hình tưởng tượng ở các chiều đo thuộc mức sắc tướng, họ mới có thể diễn giải được cái nhìn của họ. Rồi nó phải được mang vào tâm thức cõi trần sao cho thay vì làm giảm bớt khung cảnh và sự trong sáng của tâm thức tinh thần, ngược lại, nó mở rộng và thêm chiều sâu vào đó. Đây là điều ngược hẳn với chuyện chi xẩy ra trong lúc tham thiền. (Nói dễ hiểu hơn thì khi tìm cách giảng giải cho người khác thấy cảm nhận của mình là ta ‘đi xuống’, đem ý và hình từ cõi thanh xuống cõi trần; còn khi tham thiền là ‘đi lên’, nâng tâm thức từ cõi trần lên cõi thanh).
Do đó vai trò của sự cảm biết nơi con người cần được xem như là bao trùm trọn một loạt, đi từ:
Cảm nhận có tính cảm xúc → nhận thức ngoại cảm → dạng trực giác là ý thức thẳng sự vật, và chót hết là → tỏ ngộ tinh thần trọn vẹn.
Trong thực tế, đa số người trong cuộc sống hằng ngày có tâm thức thay đổi giữa mức cá nhân và mức có tính tinh thần hơn, khi thì mức này và khi khác thì ở mức kia. Mức hoạt động thông thường của họ là ở trong Kama-Manas, nhưng bất cứ thúc đẩy nào có tính lý tưởng hay thật sự sáng tạo sẽ trong phút chốc gợi nên khả năng cao hơn hay Buddhi-Manas
Khi nói về sự nhận thức, những người nhậy cảm nhất có tâm thức thay đổi giữa hai điều này, thỉnh thoảng cảm nhận ở mức hợp nhất và thành ra có thể diễn dịch phần nào cái nhìn của họ, đủ theo mức trí tuệ thông thường. Người kém hơn hay có khả năng tâm linh loại thường chỉ giản dị thấy, nghe ở mức Kama-Manas, v.v. mà không hoàn toàn hiểu điều họ cảm nhận, vì sự hiểu biết chân thật đòi hỏi có sự hợp nhất, điều chỉ có thể đạt được nhờ mặt sâu sắc hơn của cái trí.
Thế nên họ nói về phương pháp của mình là cần có việc hướng ra tới một vật, hay nắm bắt nó, hay giữ cho nó đứng yên, trong khi ở mức có sự hợp nhất thì cả vật trong không gian và thời điểm, luôn luôn là ở đâylúc này, và tự chúng trọn vẹn. Một vật được cảm biết ở mức hợp nhất thì luôn luôn có đó độc lập với không gian và thời gian. Nhưng người nhậy cảm chưa đủ trình độ cảm thấy họ phải có hành động để mang nó vào vùng quan sát.

V

Nguyên tắc là như vầy. Câu hỏi tiếp là cơ chế mà bất cứ dạng ESP nào được đưa vào não và tâm thức tỉnh táo. Trước tiên ta hãy lập lại rằng bất cứ dạng cảm nhận tâm linh nào có sự hòa hợp thì trước hết không có tính cảm xúc. Nó là thuần nhận thức. Chỉ sang giai đoạn hai nó mới được diễn dịch bằng chữ thuộc một trong các ngũ quan. Đa số người dùng cảm nhận tâm linh sơ khai không ở giai đoạn đầu chút nào hết, nên đối với họ thể hiện bằng cảm quan là cách đầu tiên và tự nhiên. Nhưng như đã nói, tâm lý gia biết rằng nhận thức dùng chữ về cảm quan thì không hề chính xác và đầy đủ. Nó cho bức hình trong trí, liên hệ với một vật, nhưng đó không phải là hình của điều chi thực sự là.
Những cơ chế khác nhau được dùng liên kết với hai loại nhận thức, và hai loại này thường chưa hòa hợp. Ai học về khoa tâm lý cũng như ai tìm hiểu huyền bí học, biết rằng mọi diễn biến trí tuệ cần một cơ chế nhất định để mang nó vào tâm thức.
Tâm lý gia không có gì để nói về ESP, còn ai học về huyền bí học thì có ý là có vài nguyên lý về cơ thể học liên quan với cấu trúc của năng lực thanh, giữa cái thuần trí và cơ cấu não bộ vật chất với hệ thần kinh. Phần cơ thể học này được mô tả đôi chút trong hai quyển The Psychic SenseMan Incarnate tôi đã viết, cũng như trong nhiều sách khác và không cần lập lại ở đây. Sao đi nữa, đó là một đề tài phức tạp liên hệ tới nhiều điều khác; ta chỉ cần nói rằng những ‘cơ quan’ mà ESP dùng để đi vào tâm thức trong thể xác là các  trung tâm lực hay luân xa - chakras nằm trong thể sinh lực của con người.
Loại thể sinh lực và luân xa nào linh hoạt thì tùy thuộc vào bản chất của đương sự, tức loại trí năng của họ, rồi điều này tới phiên nó dựa vào kinh nghiệm và sự tập luyện họ có. Nhưng kỹ năng cần để thành một người nhậy cảm rõ ràng và chính xác, thì lại tinh tế và phức tạp tới độ có vẻ như một đời người thì không sao đủ để phát triển được nó.  Thực vậy, có vẻ như chỉ những ai có thể nối kết ESP với cách suy nghĩ và dùng cái trí theo lối hiện đại, mới là người sinh ra có khả năng ‘tâm linh’ bẩm sinh, tự nhiên linh hoạt và đã phát triển nhiều. Chỉ với sự khởi đầu như thế, giống như thần đồng về toán hay âm nhạc, mà mức cao nhất về thông nhãn khéo léo v.v. mới có thể đạt được. Nói khác đi, khi ai muốn phát triển những quan năng ngoại cảm của mình theo cách hữu dụng và có kiểm soát, họ thường cần khởi sự ở bước đầu của việc tập luyện mà sẽ có thể kéo dài một thời gian rất lâu.
Về mặt khác, rất nhiều người có ESP ở mức khá mà do thời đại họ sống, các khả năng ấy đã bị dìm đi hay không được màng tới. (Thí dụ là trẻ nhỏ bị cha mẹ, người lớn la rầy, phạt vì kể là em thấy ánh sáng - hào quang -, thấy hồn người đã khuất, hay thấy trước tương lai. Em bị cho là nói bậy, đặt điều. Phản ứng tiêu cực của người xung quanh làm nhiều trẻ nhỏ không dùng và không nói tới các khả năng ấy nữa, chúng bị lãng quên khi em lớn lên).
Trong những trường hợp này, khi không còn bị áp chế và có sự tìm hiểu về trí năng của mình theo tâm lý học, đôi khi có thể đưa tới việc các khả năng tâm linh bung ra, những khả năng rõ ràng mà họ không ngờ là mình sở hữu, và có thể được hướng về bất cứ ngành nghiên cứu và ngành học chuyên môn nào.
Trên nguyên tắc thì người sơ cơ không bao giờ nên chỉ nhắm tới sự phát triển để có thông nhãn, thông nhĩ, thuật linh thị psychometry, hay xuất hồn. Tự chúng thì các khả năng này không có giá trị gì cả. Giá trị thực sự của chúng chỉ đến khi tâm thức cao nhất của trí tuệ đã đạt trước tới một mức nào đó.
Ấy là lý do vì sao tất cả những phép tập yoga đúng đắn đều nhắm tới điều đi tìm chân lý tinh thần, và khẳng định là hãy để yên và đừng động tới những siddhis hay quyền năng tâm linh, vì chúng sẽ tự động nẩy nở vào đúng lúc trong cuộc tiến hóa tinh thần. Khi chúng phát triển, chúng sẽ có khuynh hướng, có dạng đi theo đường tự nhiên và dễ dàng nhất cho người liên hệ.
Như vậy ai có thị giác phát triển cao độ họ thành ra có thông nhãn, nhạc sĩ sẽ có được thông nhĩ, sử gia thành nhậy cảm với cổ vật và có khả năng linh thị, v.v. Chuyện không an toàn hay thỏa đáng khi người ta tập làm nẩy nở những quyền năng tâm linh bằng cách ngồi luyện chúng, hay dùng ma túy, hay các phép tập theo Hatha yoga. Những cách như thế chắc chắn hữu hiệu làm khơi dậy các tiềm năng ESP, nhưng chúng làm theo cách mà không sớm thì muộn, một loại suy thoái có thể dễ dàng xẩy ra khiến người ta phải chật vật cố sức để chữa lại tình trạng.
Loại ESP thấp - tuy khoa tâm lý không nhận như vậy - diễn ra chính yếu có liên hệ với hệ thần kinh giao cảm, và qua một luân xa kết nối với tùng thái dương - solar plexus hay huyệt đan điền. Loại cao hơn có tính trực nhận dùng luân xa ở đầu liên kết với não bộ, và đặc biệt nhất là với vùng tuyến não thùy pitutairy gland và tùng quả tuyến pineal gland. Vào lúc này có một cách biệt về hoạt động giữa hai loại cao, thấp ấy.
Các chuyên gia thần kinh học nay khám phá có sự liên hệ chặt chẽ hơn nhiều về mặt cơ thể học, giữa những tầng cao hơn của não bộ với hệ thần kinh giao cảm ở vùng nhân hypothalamus trong não. Sự liên kết ấy, nhìn về mặt hoạt động trí tuệ có ý thức sẽ sinh ra cách suy nghĩ mới mà khoa học gia và triết gia nhận biết là cần thiết. Về điều này, người ta biết có các đường dây thần kinh kết nối trong não, nhưng trí năng của đa số người chưa học được cách dùng chúng, vì cái trí chưa được hòa hợp ở mức của nó. Nói cách khác thì cơ chế sinh lý đi trước sự phát triển trí năng, y như con người có sự phát triển thể chất đi trước sự nẩy nở ý thức về đạo đức và luân lý. Các nhận xét tổng quát này phản ảnh cả tình trạng hiện thời của ESP và thái độ công chúng có về nó.
Tóm tắt thì ta có thể nói lại lần nữa rẳng ESP không hề là chuyện tinh thần, không có điều chi dính dáng đến tinh thần, mà là một quan năng tâm linh - một sự nối dài thêm mức cảm nhận của quan năng vật chất. Giống như mọi kỹ năng nào khác - toán, hội họa, ngôn ngữ, âm nhạc - để dùng nó hữu hiệu thì người ta cần luyện tập và thực hành.
Tự thông nhãn thì nó là một đường kinh cho cảm nhận nối dài hơn này. Nó cho cái nhìn bán diện, của vài phần mà thôi, về mặt tinh tế hơn của sự sống. Nó không cho sự toàn tri mà người khờ dại, lắm khi luôn cả ai có thông nhãn, có vẻ tin như thế, luôn cả sự chính xác cần phải có. Thực thế, đa số những gì gọi là thông nhãn thì chỉ là thị giác có chú mục kỹ và rõ ràng. Thấy một vật không nhất thiết cho biết vật đó có ý nghĩa gì.
Sự hiểu biết chân thực chỉ tới khi có phát triển ý thức tinh thần. Mà điều này tự nó không có hữu dụng mấy và có thể làm hư hại sự quân bình tâm trí của người ta. Nó phải được biểu lộ trong tâm thức và qua hành động. Nghĩa là, nó đòi hỏi có đường kinh cảm biết và linh hoạt của phàm ngã, nếu ta muốn nó trở thành vững vàng và hòa với sự sống.
Manas hay sự thuần Trí, vô điều kiện, và do đó khách quan, là chìa khóa cho điều này, và là nhịp cầu nối khoảng cách giữa hai khía cạnh của con người, phần tinh thần và phần phàm ngã. Thế nên đó là giá trị của sự vun trồng việc tự hiểu mình và có ngã thức, như là cách để đạt chân hiểu biết.
Khi một mặt ta làm giảm các yếu tố có tính ích kỷ và cái tôi, và mặt kia làm cho mình trở thành rõ ràng có cái nhìn tinh thần ở nội tâm, thì có thể đạt được hiểu biết như vậy. Nó đòi hỏi học viên trước hết nên có ước nguyện mạnh mẽ muốn đạt chân lý, và rồi sẵn lòng trả giá và có nỗ lực liên tục mà điều ấy đòi hỏi.

Tài liệu:
Clairvoyance: A Study of Extra-Sensory Perception – Phoebe D. Bendit.
The Theosophist, July and August 1960.